Ngày 09/4/2018, đã diễn ra buổi Hội thảo khoa học trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học Đức và Phòng thí nghiệm Trọng điểm Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong Phát triển xanh (KLAMAG). Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động thường niên của dự án RoHan, nhằm phát triển các hướng nghiên cứu chung, cùng hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh. Chương trình do KLAMAG và Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tổ chức.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Tham dự chương trình, về phía đối tác Cộng hòa Liên bang Đức có TS. Dirk Hollmann và TS. Kristin Arnold thuộc ĐH Rostock.
Về phía Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có GS. TS. Nguyễn Văn Nội - Hiệu trưởng, PGS.TS. Lê Thanh Sơn - Trưởng Khoa Hóa học, TS. Trương Thanh Tú - Phó phòng Đào tạo, PGS.TS. Đỗ Quang Trung - Trưởng Phòng thí nghiệm Hóa Môi trường (Khoa Hóa học), điều phối viên dự án RoHan, các cán bộ của KLAMAG cùng các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên Khoa Hóa học.
Adri Huda - nghiên cứu sinh người Indonesia
Tại Hội thảo, các nhà khoa học và nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên lắng nghe trình bày của Adri Huda. Adri Huda đến từ Indonesia và hiện đang làm nghiên cứu Tiến sĩ tại KLAMAG theo chương trình RoHan.
Trong chương trình này, hai nhà nghiên cứu đến từ KLAMAG là TS. Hà Minh Ngọc và TS. Phạm Thanh Đồng đã báo cáo về các lĩnh vực vật liệu Perovskite và Vật liệu quang xúc tác ứng dụng trong xử lý môi trường và phát triển xanh.
TS. Hà Minh Ngọc
TS. Phạm Thanh Đồng
“RoHan Catalysis” là một dự án hợp tác về đào tạo (bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ) và trao đổi nghiên cứu trong lĩnh vực xúc tác, thuộc ngành Hóa học. Dự án bao gồm các đối tác Việt Nam là trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), ĐH Bách Khoa Hà Nội và các đối tác Đức là Đại học Rostock và Viện xúc tác Leibniz (Leibniz Institute for Catalysis- LIKAT), Cộng hòa Liên bang Đức.
Dự án được tài trợ bởi Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), kéo dài từ 2017-2020.
TS. Dirk Hollmann chia sẻ tại Hội thảo
Mục đích chính của dự án là tăng cường sự phát triển, thiết lập các công nghệ xúc tác và quá trình thông qua việc đào tạo các nhà khoa học Việt Nam có trình độ cao - những người có thể đảm nhận các vị trí tiên phong trong môi trường học thuật và trong công nghiệp ứng dụng.
Một mục tiêu khác của dự án là quyền được học lên các bậc đào tạo cao hơn cho những người có năng lực và quyền bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo. Dự án kỳ vọng sẽ đạt được những mục tiêu về phát triển bền vững vào năm 2030.
GS. TS. Nguyễn Văn Nội tặng quà lưu niệm cho TS. Dirk Hollmann và TS. Kristin Arnold
Xem thêm thông tin về chương trình RoHan tại: http://www.rohan-sdg.com/index.php/home.html.