PGS.TS Trần Mạnh Trí - Nhà khoa học xuất sắc của ĐHQGHN vinh dự đón nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024

 

PGS.TS Trần Mạnh Trí, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong hai nhà khoa học xuất sắc nhất của Việt Nam được vinh danh và đón nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024. Lễ trao giải được Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức vào ngày 15/5, tại Hà Nội.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 cho 2 nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam là: PGS.TS Trần Mạnh Trí, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.

 

Tại buổi lễ trao giải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng hai nhà khoa học được giải, cho rằng đây là những tấm gương của các nhà khoa học thể hiện sự cống hiến, đam mê, hy sinh và trân trọng đối với khoa học. Đây cũng là dịp nhìn lại sự hình thành và phát triển của ngành khoa học, tri ân sự cống hiến của bao thế hệ nhà khoa học cho sự nghiệp phát triển đất nước.

PGS.TS Trần Mạnh Trí là tác giả của cụm 3 công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen - góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp. Đến thời điểm này, PGS.TS Trần Mạnh Trí là nhà khoa học ngành Hóa học đã công bố hơn 40 công trình chuyên ngành đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Không giấu được niềm hạnh phúc, niềm tự hào khi là nhà khoa học đại diện cho hàng trăm nhà khoa học của ĐHQGHN nói riêng và Việt Nam nói chung được nhận Giải thưởng cao quý này, PGS.TS Trần Mạnh Trí chia sẻ: Đây là niềm vinh dự cho cá nhân tôi, gia đình, đặc biệt cho ngôi trường nơi tôi gắn bó từ ngày đầu vào đại học – đó là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN. May mắn  được học tập và nghiên cứu trong một môi trường học thuật hàng đầu Việt Nam, với đội ngũ giáo sư, nhà khoa học giỏi luôn tận tình hướng dẫn và truyền ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết cho tôi. Hơn nữa, tôi cũng biết ơn ĐHQGHN, bởi ban lãnh đạo ĐHQGHN đã có những chính sách tốt, kịp thời khích lệ và tạo điều kiện cho nhà khoa học nghiên cứu.

Mặc dù trong quá trình làm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu thực nghiệm chuyên ngành hóa học, bản thân nhà khoa học sẽ gặp vô vàn khó khăn, thử thách, thậm chí việc thất bại là câu chuyện thường lệ. Nếu nhà khoa học không nghị lực, tận hiên, nuôi dưỡng đam mê thì dễ bị nản chí. Có lẽ thành công của tôi hôm nay là sự biết ơn tới nhà trường, gia đình và ĐHQGHN, đã luôn tạo điều kiện tốt nhất về cả tài chính, thời gian và truyền nhiệt huyết cho tôi trong suốt quá trình nghiên cứu để tôi được sống và theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học của mình – PGS Trần Mạnh Trí nói. 

Chia sẻ về làm khoa học, PGS Trần Mạnh Trí cho biết thêm, công việc của nhà khoa học gắn với việc nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học và học cách chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu để trưởng thành và làm được nhiều việc hơn, trong suốt quá trình đó sẽ tích lũy được kinh nghiệm của bản thân.

Mặc dù bạn xuất thân từ hoàn cảnh nào, thì bản thân luôn lấy đó là động lực để phát triển thì chắc chắn bạn sẽ thành công. Đối với PGS. Trần Mạnh Trí, khi khó khăn đừng nghĩ đó là “bần cùng” mà tự mình hãy nghĩ như việc đi từ khơi xa trải qua bùn đất rồi sẽ đến được con đường nhựa bằng phẳng. Chính những khó khăn đó đã làm cho PGS Mạnh Trí cố gắng nhiều hơn.

Hãy giữ vững niềm đam mê nghiên cứu của mình, không bị lay động bởi yếu tố bên ngoài, mỗi người có xuất thân và hoàn cảnh khác nhau nhưng mỗi người đều có mục tiêu và mong muốn của mình, với cá nhân tôi điều mong muốn lớn nhất là trở thành một nhà giáo chân chính. Ngoài công việc giảng dạy tại Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, PGS.TS Trần Mạnh Trí tập trung nhiều thời gian cho các công tác nghiên cứu khoa học. Với PGS niềm vui nhân lên khi mỗi công trình thành công góp phần đưa ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, góp phần làm xã hội phát triển hơn.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ KH&CN tổ chức lần đầu tiên vào ngày 18/5/2014 nhằm khích lệ, tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển. Đến nay, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trở thành một trong những giải thưởng khoa học uy tín tại Việt Nam, được cộng đồng khoa học đánh giá cao.

Các nhà khoa học đoạt Giải thưởng trong các năm qua là những tấm gương để các nhà khoa học Việt Nam - đặc biệt là các nhà khoa học trẻ tiếp tục nỗ lực thực hiện các nghiên cứu khoa học đỉnh cao, góp phần đưa KHCN hội nhập, phát triển.

Giải thưởng đã ghi nhận sự phân bố đa dạng của các nhà khoa học xuất sắc về độ tuổi, giới tính, vùng miền trên cả nước, thuộc đầy đủ các ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Thiếu tướng, GS.TS Trần Xuân Nam, Chủ tịch Hội đồng xét tặng Giải thưởng cho biết, số lượng hồ sơ đề cử tại kỳ xét tặng Giải thưởng năm nay tăng gấp đôi so với mọi năm. Tổng số hồ sơ tiếp nhận là 97 hồ sơ, trong đó có 76 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, 21 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 71 hồ sơ đề cử Giải thưởng chính và 26 hồ sơ đề cử Giải thưởng trẻ. Các hồ sơ được đề cử đều có chất lượng rất tốt, nên Hội đồng xét tặng Giải thưởng đã thảo luận rất kỹ để lựa chọn ra những công trình xuất sắc nhất, xứng đáng để trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức, thành viên Hội đồng Giải thưởng nhấn mạnh: Các công trình của nhà khoa học Trần Mạnh Trí, ngoài việc công bố trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng IF cao, chỉ số trắc lượng của riêng của bài báo  (article metrics) cũng rất ấn tượng. Theo phân tích của Scopus, bài báo này thuộc top phân vị (percentile) 7% thế giới về trích dẫn so với các nghiên cứu cùng lĩnh vực. Còn theo phân tích của Web of Science, công trình đã được các nhà khoa học trên thế giới trích dẫn để thảo luận và dẫn chiếu cho các nghiên cứu của họ, chứ không chỉ trích dẫn có tính chất liệt kê thông thường.

PGS.TS Trần Mạnh Trí tốt nghiệp cử nhân hóa học (năm 2004), thạc sĩ hóa học (năm 2006) và tiến sĩ hóa học (năm 2011) tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau đó, ứng viên Trần Mạnh Trí nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Wadsworth, Sở Y tế bang New York, Hoa Kỳ (năm 2014); tham gia các khóa đào tạo về thiết bị tại hãng Bruker, Zurich, Thụy Sĩ (2015); kỹ thuật phân tích môi trường tại Đại học Lancaster, Vương Quốc Anh (2017); phương pháp phân tích hóa học tại Đại học Tokyo, Nhật Bản (2019).

PGS.TS. Trần Mạnh Trí là một trong những giảng viên, nhà khoa học xuất sắc của Trường ĐHKHTN và hiện tại giữ vị trí Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ, thành viên chính của nhóm nghiên cứu mạnh "Quan trắc và đánh giá rủi ro các độc chất hữu cơ trong môi trường".

PGS.TS. Trần Mạnh Trí đã chủ trì thành công các đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội (2019-2021) và 02 đề tài do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) tài trợ. PGS.TS Trần Mạnh Trí cũng đã tham gia một số đề tài cấp Bộ và cấp nhà nước. PGS.TS Trần Mạnh Trí cũng là giảng viên có thành tích trong công tác đào tạo đại học và sau đại học với 03 tiến sĩ, 17 thạc sĩ và hơn 50 cử nhân đã hướng dẫn thành công.

Với nền tảng kiến thức được đào tạo bài bản và đam mê nghiên cứu khoa học, PGS.TS Trần Mạnh Trí đã công bố 40 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín (phần lớn trong số đó thuộc danh mục tạp chí WoS uy tín với chỉ số ảnh hưởng cao), hơn 50 bài báo trên các tạp chí quốc gia uy tín, 20 báo cáo tại các hội nghị quốc gia/quốc tế, 02 chương sách và 01 giáo trình.

Với những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, PGS.TS Trần Mạnh Trí được tặng Giải thưởng Đại học Quốc gia Hà Nội về Khoa học và Công nghệ năm 2021; Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội về những thành tích xuất sắc trong công bố quốc tế và sở hữu trí tuệ hai năm liên tiếp (2020 và 2021); Giải thưởng nhà khoa học trẻ tại Hội nghị Hóa học khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2015.

PGS.TS Trần Mạnh Trí theo đuổi hướng nghiên cứu phát triển các phương pháp hóa học mới, sử dụng các thiết bị và công cụ hiện đại để phân tích, quan trắc, đánh giá rủi ro và tìm kiếm các giải pháp nhằm xử lý loại bỏ các độc chất hữu cơ phân bố trong môi trường.

Trước vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, PGS.TS Trần Mạnh Trí đã lựa chọn đối tượng nghiên cứu là các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và các hợp chất hữu cơ gây rối loạn nội tiết mới nổi (endocrine disrupting chemicals: EDCs) có khả năng tích lũy cao gây ra những hiểm họa cho con người và động vật. PGS.TS Trần Mạnh Trí là một trong những nhà khoa học tiên phong, đề xuất ý tưởng và xây dựng hướng nghiên cứu này với trên 20 công trình đăng trên tạp chí WoS uy tín (có chỉ số ảnh hưởng IF >5,0). Các công trình của PGS.TS Trần Mạnh Trí đều được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao, thể hiện qua số trích dẫn bởi các nhà khoa học và tạp chí uy tín.

Riêng với 03 công trình tiêu biểu được đề cử nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu lần này (xuất bản năm 2021), tính đến nay, đã có trên 90 trích dẫn.